Mười bản thêm Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ

Trong khi hầu hết các bản in trong 36 cảnh chính hiển thị “mặt trước” của Núi Phú Sĩ, lại có 10 bản in mô tả ngọn núi từ phía Tây hoặc “mặt sau” của nó (ura-Fuji). Người ta cho rằng 10 bản in này là những tác phẩm bổ sung thêm vào 36 bản ban đầu của bộ tác phẩm, tạo nên tổng số 46 bản in còn tồn tại cho đến ngày nay. Khác với trước, 10 bản thêm này đều có khối gỗ in chính màu đen, nhà xuất bản Eijudō có thể đã hủy bỏ việc sử dụng mực xanh tổng hợp nhập khẩu từ phương Tây do tác động có hại đối với sản phẩm, cũng như độ phổ biến của chúng đã giảm sút so với thời gian đầu xuất bản.[83]

1. Phú Sĩ tại Gotenyama, Shinagawa của Tōkaidō (東海道品川御殿山の不二, Tōkaidō Shinagawa Goten'yama no Fuji?)

Đây là một trong những tác phẩm cực kỳ chi tiết của Hokusai. Một quang cảnh tấp nập, nơi người dân tới ngắm hoa anh đào tại Gotenyama, ngọn đồi phía bắc Shinagawa ở Edo. Gotenyama, hay núi Ngự Điện, ngọn đồi mang cái tên này bởi nơi đây được cho là nơi tọa lạc khu biệt phủ của Shōgun. Shinagawa ngày nay là một quận lớn ở Tokyo, nơi này từng trạm dừng chân đầu tiên trong năm mươi ba trạm của tuyến đường Tōkaidō, cách điểm xuất phát là Nihonbashi khoảng 5 dặm. Với tầm nhìn tuyệt đẹp ra vịnh Sagami và núi Phú Sĩ, cùng những vườn cây anh đào được trồng từ thời Kanbun (1661-72), Gotenyama là một địa điểm dã ngoại rất nổi tiếng. Hokusai tái hiện ngọn đồi qua những chùm hoa anh đào nở rộ. Cây anh đào nở hoa báo hiệu thời kỳ thay lá của chúng, điều này tạo ra những khối hoa dày đặc mang sắc hồng thuần khiết. Bản họa tái hiện không khí của một dịp lễ hội truyền thống, Hanami (tiệc ngắm hoa anh đào). Trong ngày lễ mùa xuân này, núi Phú Sĩ vươn lên bầu trời từ phía xa và bao quanh nó tại tiền cảnh là những chùm hoa sặc sỡ.[84] Dưới những tán hoa, một nhóm người vừa thưởng cảnh vừa nhâm nhi rượu sake trên tấm thảm đỏ của họ. Một số nhóm gia đình đang leo lên ngọn đồi với đứa trẻ cõng trên lưng, trong khi số khác đã say sưa, đang vui vẻ nhảy múa với những chiếc quạt gập. Với tâm trạng hứng khởi này, ít ai quan tâm tới vẻ đẹp của núi Phú Sĩ, của đại dương hay thậm chí là của những bông hoa mà đã khiến họ cất công đến đây. Người Nhật thường nói đùa rằng “bánh bao ngon hơn hoa” (hana yori dango), có nghĩa ăn uống thì vui hơn là ngắm hoa.[85]

2. Xưởng gỗ ở Honjo (本所立川, Honjo Tatekawa?)

Hokusai là bậc thầy về tối giản. Ông có thể tạo ra những thiết kế kinh điển nhất, như chỉ với một hình tam giác duy nhất để mô tả núi Phú Sĩ. Mặt khác, ông cũng thích những thiết kế tỉ mỉ và bản in này một ví dụ nổi bật trong đó. Bố cục chi tiết đến từng thanh gỗ, chúng được khai thác từ các khu rừng trồng bên bờ sông. Phú Sĩ xuất hiện ở ngoài cùng bên phải, khuất sau những cột gỗ san sát nhau. Honjo nằm tiếp giáp với Asakusa, nơi con sông nhỏ Takekawa đổ vào dòng Sumida ngay gần cầu Ryōgoku. Honjo nổi tiếng với nhiều xưởng gỗ nằm cạnh bờ sông, khu vực này đã từng xuất hiện ở bức thứ 13. Tiền cảnh phía trước là một xưởng gỗ bên bờ sông Tate tại trung tâm Edo, ba người đàn ông ở đây đang tất bật xếp gỗ. Một người bên trái ném bó gỗ lên cho người khác ở trên đỉnh, người còn lại đang cưa gỗ thành ván. Hoạt động của con người và những chồng gỗ cao chót vót vượt qua một ngọn núi Phú Sĩ nhỏ bé, bày tỏ lòng kính trọng của tác giả đối với những người lao động nhỏ bé trong công việc hàng ngày của họ.[86] Tất cả các tư thế người tại đây đều xuất phát từ những nghiên cứu kỹ lưỡng về chuyển động, mà đã được Hokusai ghi chép lại trong cuốn sách Manga của mình. Ví dụ, động tác ném của người đàn ông rất giống với thợ sửa mái của cửa hàng Mitsui (tấm 11). Các bản in ukiyo-e thường đề tên nhà xuất bản qua con dấu, tuy nhiên, Hokusai đôi khi không nhất quán trong việc này. Eijudō, nhà xuất bản của bộ tác phẩm, ông tiết lộ tại đây qua tấm biển nằm ngang ở bên phải hình ảnh, dòng chữ ghi "Xưởng gỗ Nishimuraya" - tức là Nishimura Eijudō. Các dòng chữ khác có ghi “Ấn bản mới, hoàn thiện Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ”. Điều này chỉ ra bản in là một trong mười bản bổ sung thêm vào ba mươi sáu cảnh ban đầu. Khối gỗ in chủ đạo của tác phẩm là màu đen và cũng là duy nhất trong cả bộ, thay vì màu xanh như thường lệ.[87]

3. Phố đèn đỏ ở Senju (従千住花街眺望の不二, Senju Hana-machi Yori Chōbō no Fuji?)

Một phần của đoàn rước daimyō đang băng đi qua Senju,[Ghi chú 4] trạm nghỉ đầu tiên trên tuyến đường Nikkō Kaidō, phía đông bắc Edo. Đoàn samurai diễu hành giữa những mái nhà lợp tranh, trên vai là súng được bọc trong vải nâu và dưới hông dắt hai thanh kiếm, biểu tượng của tầng lớp họ. Cả đoàn thuộc hạ mặc đồng phục với kimono hai màu xanh và trắng. Một số người thoáng chốc liếc nhìn vẻ đẹp ngọn núi lửa phía xa. Những cánh đồng rộng thênh thang bên lề đường, nơi hai người phụ nữ làm nông vừa ngồi nghỉ vừa chiêm ngưỡng đoàn rước. Cánh đồng mùa gặt gợi ý thời điểm đang là cuối thu, cùng với Phú Sĩ hoàn toàn phủ trong tuyết trắng báo hiệu mùa đông đang đến gần. Dãy kiến trúc có rào chắn tại hậu cảnh là các nhà thổ của khu Senju, thường được gọi là Thị trấn Hoa. Khác với khu giải trí Yoshiwara nổi tiếng hơn, Senju được vận hành bởi tư nhân mà chịu sự kiểm soát của chính phủ.[Ghi chú 5] Vào thời kỳ đỉnh cao trong thời Edo, nơi này được cho là có tới 38 nhà thổ. Một chiếc kiệu đặt trước căn tròi lá bên phải tiền cảnh, thuộc về một nhân vật quan trọng đang nghỉ ngơi trong đó. Đoàn rước của samurai cấp cao là một phần nghi thức quan trọng trong cuộc sống họ, tuy tốn kém nhưng không thể bỏ qua. Trong suốt 250 năm hòa bình của thời kỳ Edo, các chiến binh samurai không tham gia chiến đấu nhưng vũ khí của họ là biểu tượng địa vị của họ và dùng khi gặp nguy hiểm.[88]

4. Nakahara ở tỉnh Sagami (相州仲原, Sōshū Nakahara?)

Núi Phú Sĩ hiện lên với thân hình đồ sộ với hai bên sườn dài, trước mặt nó là quang cảnh những người dân và lữ khách - gồm người hành hương, thương gia, một phụ nữ làm nông và một ngư dân - đang qua lại trên đường. Đây là một trong những thiết kế đơn giản mà lại đạt được nhiều thành công của ông. Bằng cách tối giản các yếu tố phụ ở tiền cảnh, Hokusai tạo ra đủ không gian để hiển thị đầy đủ nhân vật và hoạt động sống động của họ, vốn là chủ đề chính mà tác giả hướng tới. Như thường lệ, Hokusai làm cho khung cảnh trở nên thú vị bằng cách kết hợp đa dạng các chi tiết. Ví dụ, người phụ nữ vừa cõng con trên lưng vừa gánh cơm tới cho người chồng đang làm lụng trên cánh đồng. Bữa ăn đựng trong một cái thúng và được cô giữ trên đầu bằng tay trái. Tay còn lại cầm cuốc cùng một cái ấm nước treo trên đó.[89] Nakahara được xác định thuộc Hiratsuka ngày nay, nơi những người hành hương đến núi Oyama sẽ rẽ khỏi tuyến đường Tōkaidō và tiếp tục cuộc hành trình dọc theo đường Oyama. Một nhà hành khất (rokujuroku-bu) tay cầm chiếc trượng cùng với ban thờ di động trên lưng, người thương gia cạnh đó bận ngắm nhìn quanh cảnh ngọn núi, bọc hành lý của người này một lần nữa xuất hiện ký hiệu của nhà xuất bản Eijudō. Quay lưng lại với người xem là một bức tượng đá bên đường của vị thần Fudō, chắc chắn dùng để đánh dấu con đường đến Oyama. Ngôi nhà ở phía trước có sừ dụng một loại bù nhìn: bằng cách gắn lục lạc lên ba cọc dây căng ngang. Có lẽ chúng phát ra âm thanh khi có gió thổi, hoặc nếu có chim đậu lên dây. Thời điểm đang là mùa thu, có thể thấy qua tông vàng trải dài ở vùng đất phía sau. Đám mây xanh lơ lửng bên trái của Phú Sĩ được in bằng kỹ thuật ita-bokashi (chuyển màu khối), trong đó các cạnh sẽ được mài mòn để hoa tiết khi in có vẻ bị xước.[90]

5. Ōno Shinden ở tỉnh Suruga (駿州大野新田, Sunshū Ōno-shinden?)

Ōno nằm gần phía nam núi Phú Sĩ, tọa lạc giữa hai trạm nghỉ Hara và Yoshiwara thuộc tuyến đường Tōkaidō.[91] Quang cảnh của một buổi sáng sớm trên cánh đồng Ōno, nơi đàn diệc trắng lướt qua mặt nước cùng ánh bình minh chiếu rọi từ hướng đông. Phú Sĩ mọc lên sừng sững giữa một vùng đầm lầy phủ sương, chạm đến tận mép trên của hình ảnh. Không khí thanh bình này trái ngược hoàn toàn với hoạt động của con người được miêu tả ở phía trước. Một nhóm nông dân dắt bò với đầy bó sậy chất trên lưng, hai người phụ nữ đi đầu mang những bó nhỏ hơn. Họ đã hoàn thành công việc buổi sáng và đang uể oải hướng về nhà. Trong thời kỳ Edo, các shōgun và chính quyền địa phương đã nỗ lực mở rộng diện tích đất canh tác vừa để hỗ trợ dân số đang ngày càng tăng, và vừa để tăng diện tích đất chịu thuế. Những khu đất như vậy thường được gọi "Cánh đồng mới" (Shinden). Cánh đồng Ōno trong hình ảnh được mô tả là một vùng đất đầm lầy rộng lớn đang, có lẽ dành cho canh tác cây lau sậy.[92] Khung cảnh lý tưởng nơi những người nông dân trở về nhà sau một buổi sáng lao động được kết với với tinh thần của ngọn núi Phú Sĩ, thể hiện quan niệm của Hokusai về cuộc sống con người là một phần không thể thiếu và gắn liền với thế giới tự nhiên.[93]

6. Leo núi Phú Sĩ (諸人登山, Shojin tozan?)

Trang phục hành hương của giáo phái Phú Sĩ.

Nhóm những người leo núi đang nỗ lực vươn lên đỉnh núi Phú Sĩ, nơi nằm ngoài khung hình. Cả đoàn mặc áo choàng trắng, gồng mình đứng vững giữa những mỏm đá gồ ghề và hoang dã của sườn núi. Người này giúp người kia, họ đang nhích dần đến một hang động ở góc phải trên, nơi nghỉ chân dành cho những người leo núi. Mọi người trong đó đều co ro trước một buổi sáng lạnh giá với độ cao này. Đây có thể là chính hang động Eboshi-iwa, nơi Jikigyō Miroku đã tuyệt thực đến chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1733, rồi từ đó thành lập nên "Giáo phái Phú Sĩ" (Fuji shinko).[94] Sắc đỏ của bầu trời báo hiệu bình minh sắp lên. Cảm giác về những khe đá gồ ghề được thể hiện qua những đường nét kỳ lạ, điểm thêm những nét chấm phá nhấn mạnh. Làn sương mù bốc lên giữa mỏm đá cho cảm giác về độ cao. Mặc dù lặp đi lặp lại, tư thế của những người leo vẫn tỏ rõ sự khó khăn trong công cuộc chinh phục nơi đây. Đối với người Nhật, Phú Sĩ từ xưa đã trở nên thiêng liêng bởi độ cao và vẻ đẹp hoang dã của nó. Các môn đồ giáo phái Phú Sĩ vẫn thường thực hiện chuyến hành hương đến ngọn núi hàng năm, mỗi người đều mang bộ đồ trắng cùng với một cây gậy trên tay. Ngày nay, hoạt động leo núi không chỉ còn trong lĩnh vực tôn giáo mà còn liên quan đến cả thể thao. Cứ vào ngày 1 tháng 6 hàng năm, ngọn núi sẽ được mở cửa dành cho những người dám chinh phục nó.[95] Khả năng cao đây là thiết kế cuối cùng để hoàn thiện bộ mười bản in bổ sung. Khác với những góc nhìn xa xôi thường thấy, nơi Phú Sĩ xuất hiện một cách bao quát và khách quan, tác phẩm này hướng đến trải nghiệm chủ quan, chân thực trên chính sườn núi, tựa như một lời kết dành cho bộ tác phẩm.[94]

7. Vườn chè Katakura ở tỉnh Suruga (駿州片倉茶園の不二, Sunshū Katakura chaen no Fuji?)

Suruga (nay thuộc tỉnh Shizuoka) có độ nổi bật đáng kể trong bộ tác phẩm Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ với bốn bản in dành riêng cho nơi đây. Bản in này tiếp tục được Hokusai mô tả về công việc và cuộc sống tại một đồn điền chè ở tỉnh thành này. Mặc dù không ai biết chúng bắt đầu được canh tác ở Shizuoka từ khi nào, nhưng ngành sản xuất chè ở vùng này đã nổi tiếng trong thời kỳ Muromachi (1329-1573). Ngày nay chè vẫn là một loại cây trồng quan trọng của khu vực, nguồn cung cho khắp Nhật Bản và xuất khẩu ra toàn thế giới. Đây là một trong những tác phẩm tỉ mỉ của Hokusai, bản in cho thấy một đồn điền được bao bọc bởi một dòng nước chảy xen giữa những bãi đất. Những người phụ nữ xếp thành từng hàng để hái trè, mỗi người họ đều đội chiếc nón tròn làm từ che. Những cánh đồng chè tiếp tục trải dài cho đến phía chân trời, nơi ngọn núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng mọc lên tạo cảm giác vững chãi và che chở cho khung cảnh phía dưới. Đứng trước đó, những người đàn ông chịu trách nhiệm vận chuyển lá chè mới hái về kho và có thể là cả bằng sức ngựa. Những người khác bao gồm một người đàn ông bỏ chè vào giỏ, một người sửa guốc rơm cho ngựa, trong khi một người khác đang cố gắng kéo con thú bất đắc dĩ của mình băng qua cây cầu. Mặc dù bố cục mang đến một cái nhìn về hoạt động của một đồn điền chè, các nhà phê bình cho rằng nó quá chi tiết và chật hẹp - có lẽ sẽ thích hợp cho sách minh họa hơn là bản họa đơn. Hokusai trước đây từng là một họa sĩ minh họa sách, có thể thấy về quá trình đào tạo và thói quen trước đây của ông. Tuy nhiên việc xử lý màu sắc giúp hình ảnh vẫn giữ được sự rõ ràng và rành mạch.[96]

8. Phú Sĩ nhìn từ Kanaya thuộc Tōkaidō (東海道金谷の不二, Tōkaidō Kanaya no Fuji?)

Bản in mô tả toàn lữ khách băng qua sông Ōi, ngăn cách giữa Kanaya ở bờ tây và Shimada ở bờ đông. Với dòng chảy xiết đặc trưng, sông Ōi được cho là chướng ngại vật khó khăn nhất đối với khách đi đường, thậm chí còn khó hơn đèo Hakone dốc đứng. Khu vực này thường xuyên bị ngập lụt và có thể không qua được trong vài ngày. Ngoài ra, không có cây cầu nào được bắc qua như một chiến lược quân sự để ngăn chặn bước tiến của kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh. Sự nghiên cứu trước đó của Hokusai với phong cách thiết kế truyền thống của môn phái Rimpa đã giúp ông tạo ra thiết kế ấn tượng tuyệt đẹp này với hình ảnh con người đang vật lộn để vượt qua ghềnh nước. Sự nhấp nhô của sóng được thể hiện qua những dòng bọt trắng uốn lượn, xen giữa chúng là những dòng chảy nhỏ hơn với đường nét mỏng và nhạt. Tại vùng nước sâu đến ngực, lữ khách được kiệu trên vai của những cu li, trong khi một số người giàu có hơn sẽ thuê cả đội để khuôn kiệu và hành lý của họ. Ở phía ngoài cùng bên trái, một gói quần áo lớn được phủ vải có ghi trên đó ký tự kotobuki (hạnh phúc) đang được chuyển vào bờ; nó thuộc về một cô dâu sắp cưới bên bờ kia sông. Một số du khách mang ký hiệu của Eijudō, nhà xuất bản của bộ tác phẩm, trên gói hàng của họ. Tuy ghềnh nước qua bức tranh chỉ là mô hình tĩnh, cuộc đấu tranh của những lữ khách và những người đi đường vẫn được truyền tải một cách hùng hồn. Thiết kế của các con sóng khác biệt đáng kể so với trong Sóng lừng, gợi nhớ đến các bản in trước đó mà Hokusai đã từng thử nghiệm phối cảnh và tạo bóng chiaroscuro của phương Tây.[97] Đồng thời, bản in này cho thấy phong cách thiết kế thú vị mà Hokusai đã kế thừa từ truyền thống hàng thế kỷ của Nhật Bản. Bên kia sông là con đê. Các bờ kè của nó được làm bằng cách xếp chồng những chiếc lưới tre chứa đầy sỏi trong đó. Từ đó có thể thấy thị trấn Shimada nằm giữa chúng.[98]

9. Bình minh tại Isawa ở tỉnh Kai (甲州伊沢暁, Kōshū Isawa no Akatsuki?)

Thị trấn nhỏ Iwasa nằm cạnh sông Fuefuki, phía đông của Kōfu (tỉnh Yamanashi hiện nay). Vào thời Edo, Isawa là một trạm nghỉ thuộc Kōshū Kaidō, một trong năm tuyến đường chính dẫn từ Edo đến Kōshū và hồ Suwa. Hokusai mô tả thị trấn với nhiều nhà trọ và nhà hàng dành cho khách du lịch, một số người đã lên đường trước khi mặt trời mọc, trong khi những người khác đang chuẩn bị rời đi trước cửa nhà trọ. Với khối gỗ in chính màu đen, đây là một trong những bản in cho thấy “mặt sau” của núi Phú Sĩ (ura-Fuji), được cho là góc nhìn bổ sung của 36 cảnh chính.[99] Dòng sông và con đường cũng mang màu sẫm, điểm xuyết bởi những chiếc nón rơm tròn màu vàng. Bố cục không có gì đặc biệt, thiếu điểm nhấn nổi bật bởi quá nhiều người và nhà đông đúc, tuy nhiên ánh sáng tự nhiên vẫn được Hokusai xử lý một cách tuyệt vời. Giống với nhiều tác phẩm khác của cả bộ, Hokusai tiếp tục ngụ ý so sánh núi Phú Sĩ với hòn đảo vĩnh cửu, núi Bồng Lai trong thần thoại Trung Hoa bằng cách cho ngọn núi lửa xuất hiện từ xa, bị ngăn cách với thế giới con người bởi làn sương sớm dày đặc, cùng với một bầu trời nhuốm đỏ của ánh mặt trời mọc xung quanh nó.[100]

10. Mặt sau Phú Sĩ nhìn từ sông Minobu (身延川裏不二, Minobu-gawa ura Fuji?)

Hokusai thích thể hiện núi Phú Sĩ hùng vĩ từ xa hoặc cận cảnh với hai bên sườn dài của nó. Bản in có bố cục phong phú này đặt Phú Sĩ giữa các ngọn núi khác hai bên, chúng đều có có răng cưa, điển hình của tranh phong cảnh Trung Quốc. Được biết, Hokusai đã nghiên cứu hội họa Trung Quốc thông qua cuốn sách Kaishien gaden nổi tiếng, phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản từ thế kỷ 17. Băng qua một thung lũng hẹp dọc, men theo dòng sông chảy xiết với những ngọn núi nhô cao sừng sững từ những đám mây dày đặc, đoàn người như lạc vào một thế giới huyền bí trong thần thoại Trung Hoa.[83] Dưới những lớp mây, sông Minobu dâng lên từng đợt sóng lăn tăn, được biểu thị bằng nhiều chấm xanh đậm. Tuy nhiên, Hokusai có thể đã nhầm lẫn về vị trí địa lý và đặc điểm của dòng sông Minobu ở đây. Trên con đường cạnh đó, một người đàn ông dẫn ngựa đi bên phải, trong khi hai người mang kiệu theo hướng ngược lại. Để tạo nên bề mặt thô ráp và tăng cường hình dạng kỳ lạ cho những dãy đá, Hokusai sử dụng các nét vẽ xoắn và rẽ nhánh, một hiệu ứng mà yêu cầu người thợ khắc phải khéo léo thực hiện. Theo truyền thống, Phú Sĩ với góc nhìn từ phía tây sẽ được gọi là "mặt sau của Phú Sĩ" (ura-Fuji), mặt này của ngọn núi được biết đến với sườn dốc và gồ ghề. Mười bản in bổ sung cho ba mươi sáu bản ban đầu của bộ tác phẩm đều thể hiện mặt sau của ngọn núi lửa, nhưng chỉ duy nhất bản in này mang tiêu đề “mặt sau của Fuji”.[101]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ //www.amazon.com/dp/0295977663 //www.amazon.com/dp/0674009916 //www.amazon.com/dp/3791342223 //www.amazon.com/dp/9074822576 http://www.artelino.com/articles/hokusai.asp http://honolulumuseum.org/art/8970-mount-fuji-in-c... http://honolulumuseum.org/art/9091-mount-fuji-from... http://www.mfa.org/collections/object/fugaku-hyakk... https://nga.gov.au/monetjapan/detail.cfm?WorkID=J0... https://www.ngv.vic.gov.au/wp-content/uploads/2016...